Đánh thuế vàng dựa trên doanh thu hoặc lợi nhuận bán vàng

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo giá vàng SJC xuống đã tạo nên làn sóng đổ xô xếp hàng mua kim loại quý này. Người dân chấp nhận đứng chờ ở ngoài các ngân hàng từ 4, 5h sáng hoặc thậm chí là những người ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng tìm đến để mong mua được “vàng giá bình ổn”.

Mỗi người có kỳ vọng và lý do khác nhau: người mua vì tích sản, người mua để trải nghiệm và đương nhiên cũng có người mua để đầu cơ, bán chênh. Vấn đề này cũng đã được NHNN phản ánh vào tuần trước. Cũng từ đây, xuất hiện luồng ý kiến cho rằng nên đánh thuế giao dịch vàng để góp phần ổn định thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc đánh thuế giao dịch vàng là cần thiết bởi việc kiếm lời từ giao dịch vàng cũng giống như các loại hình đầu tư, kinh doanh khác.

“Đầu tư bất động sản, kinh doanh hàng hoá hay thậm chí tiền lương đều phải chịu thuế thì tại sao giao dịch vàng lại được miễn thuế? Đây là điều rất khó hiểu. Do đó, đánh thuế để ổn định thị trường vàng là điều hợp lý. Chúng ta đã bỏ qua điều này hàng chục năm rồi và giờ là thời điểm thích hợp để đưa lên bản thảo luận”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu đề xuất hai phương án đánh thuế là dựa theo doanh thu hoặc lợi nhuận từ việc giao dịch vàng.

Đối với hoạt động mua bán vàng có lãi, xác định được thông qua hoá đơn, chứng từ, người dân sẽ đóng thuế dựa trên lợi nhuận.

Đối với trường hợp người dân đã mua vàng từ rất lâu và tại thời điểm mua không có hoá đơn; hoặc trường hợp được tặng, mức thuế có thế được xác định trên doanh thu (tức tổng số tiền thu về từ việc bán vàng).

Mức thuế áp dụng cho lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với thuế trên doanh thu. Việc đánh thuế này áp dụng cho toàn bộ loại vàng, không phân biệt vàng miếng, vàng nhẫn hay vàng trang sức.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhà nước nên đánh thuế với giao dịch vàng, nhất là hoạt động lướt sóng, đầu cơ.

Theo ông với những người chỉ mua số lượng ít thì không nên đánh thuế vì đây là hoạt động tích sản, giữ lâu dài để thành khoản lớn. Tuy nhiên, với những người mua trong ngắn hạn, chỉ vài ngày bán thì đây được xem là hoạt động kinh doanh và cần phải áp thuế.

“Nếu muốn áp thuế thì cần đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử mua - bán vàng. Điều này còn góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường”, ông Thịnh nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rất khó để xác định thế nào là mua vàng để đầu cơ và thế nào là mua vàng tích luỹ. Do đó, theo ông việc đánh thuế nên áp dụng cho mọi giao dịch vàng.

“Điều mà các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ là mức thuế là bao nhiêu cho phù hợp? Và với lượng vàng tích luỹ từ rất lâu trước đó mà bây giờ bán ra thì cơ sở để đánh thuế là như thế nào?”, ông Hiếu nói.

Tại cuộc họp với NHNN diễn ra hôm 8/6, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng chính sách thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt những đối tượng mua vàng nhằm đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.

Đồng thời, giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng, bà Mùi cho biết.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Ảnh: H.Mĩ

Những lo ngại nếu đánh thuế giao dịch vàng

Ý tưởng đánh thuế giao dịch vàng được nhiều chuyên gia ủng hộ, tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng giá vàng sẽ tăng lên, đi ngược với nỗ lực của NHNN trong việc co hẹp với khoảng cách với vàng thế giới trong thời gian qua.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc đánh thuế có thể khiến giá vàng tăng lên. Những người kinh doanh vàng sẽ phải trả thuế và họ sẽ tăng biên độ lợi nhuận lên và giá vàng tăng theo. Điều này có thể không khớp với chủ trương của Chính phủ là kéo giá vàng xuống gần hơn với thế giới. Tôi cho rằng việc Chính phủ kéo giá vàng xuống ở thời điểm hiện tại chỉ là biện pháp tạm thời. Trong tương lai, nên để cung - cầu thị trường quyết định giá vàng”.

Cũng có ý kiến cho rằng việc áp thuế đối với một loại tài sản mỗi khi tăng giá mạnh không phải biện pháp hữu hiệu. Thậm chí điều này có thể có tác dụng ngược khi dòng tiền đầu cơ có thể chạy sang thị trường khác khó kiểm soát hơn, chẳng hạn như tiền số.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, lúc này vai trò quản lý nhà nước càng phải được đề cao hơn: “Nếu việc quản lý tài chính tốt, sẽ không có chuyện tiền sẽ chảy sang bitcoin hay các đồng tiền số khác”.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 18/6, trả lời phóng viên về việc đánh thuế đối với giao dịch vàng để hạn chế hiện tượng tích trữ vàng của người dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ghi nhận ý kiến này và cho biết Bộ Tài chính sẽ có nghiên cứu, đánh giá cụ thể một cách toàn diện vì việc bổ sung thêm sắc thuế cần phải cân nhắc các yếu tố chứ không chỉ ở trên khía cạnh giao dịch vàng gia tăng trong thời gian qua.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, vừa qua ngành thuế đã phối hợp cùng với Ngân hàng nhà nước thanh tra 38 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Hiện nay các cửa hàng kinh doanh vàng vẫn nộp thuế đều đặn và cơ quan thuế vẫn giám sát hoạt động này qua hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai từ năm 2021 – 2023. Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan thuế địa phương để giám sát chặt chẽ hệ thống hóa đơn điện tử đối với hoạt động mua bán vàng.

Để phòng chống rửa tiền, ngành thuế cũng đã có đề xuất việc mua vàng bằng các giao dịch qua tài khoản.